Bài 5: Tình trạng lo âu ở người bệnh đái tháo đường Type 2 điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh năm 2023
Từ khóa:
Lo âu, đái tháo đường type 2, HADS.Tóm tắt
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ lo âu và các yếu tố liên quan ở người bệnh đái tháo đường type 2 đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (ĐHYD TP.HCM) năm 2023.
Phương pháp: Thiết kế nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 427 người bệnh đái tháo đường type 2 đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện ĐHYD TP.HCM năm 2023. Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp về đặc điểm dân số, kinh tế - xã hội, gia đình, đặc điểm về bệnh, quá trình điều trị và tình trạng lo âu. Tình trạng lo âu được đánh giá bằng thang đo HADS (Hospital Anxiety and Depression Scale). Hồi quy Poisson đa biến số được dùng để đánh giá liên quan giữa các yếu tố với tình trạng lo âu của người bệnh đái tháo đường. Tỷ số tỷ lệ hiện mắc và khoảng tin cậy 95% được báo cáo với mức ý nghĩa p <0,05.
Kết quả: Tuổi trung bình của mẫu nghiên cứu là 60,55 ± 10,66 năm. Tỷ lệ nam chiếm 41,9%. Tỷ lệ rối loạn lo âu trong mẫu nghiên cứu là 23,7%, ở nam là 8,0% và ở nữ là 15,7%. Người bệnh đái tháo đường sống chung với người thân ít bị lo âu hơn (PR = 0,54; CI 95%: 0,39 – 0,77). Người có bất đồng với người thân (PR = 3,07; CI 95%: 2,14 – 4,40), thời gian mắc bệnh ≤ 5 năm (PR = 2,79; CI 95%: 1,95 – 3,99), và được điều trị bằng insulin (PR = 1,93; CI 95%: 1,42 – 2,64) dễ bị lo âu hơn.
Kết luận: Bệnh nhân đái tháo đường nên có quan hệ tốt với người trong gia đình để tăng sức khỏe tinh thần. Nhân viên y tế cần hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân và người nhà hiểu về tình trạng bệnh để tăng hiệu quả điều trị và giảm lo âu cho người bệnh.