Bài 6: Tình trạng trầm cảm, lo âu và căng thẳng của người bệnh 12 tháng sau mắc Covid-19
Từ khóa:
trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hậu COVID-19, DASS-21Tóm tắt
Mục tiêu: Đánh giá tình trạng trầm cảm, lo âu và căng thẳng của người bệnh ở thời điểm 12 tháng sau khi mắc COVID-19 tại Thái Bình, Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang thực hiện hiện trên 1534 người dân có tiền sử mắc COVID-19 từ ít nhất 12 tháng trước đó tại tỉnh Thái Bình dựa trên số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh. Công cụ thu thập số liệu là bộ câu hỏi DASS-21 đã được Việt hoá. Số liệu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp tại cộng đồng.
Kết quả: Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 40,8 ± 14,5 tuổi, tuổi nhỏ nhất là 18 tuổi, tuổi lớn nhất là 99. Nam giới chiếm tỷ lệ 44,0%. Tỷ lệ Nam/Nữ = 0,78. Hơn 90% đối tượng nghiên cứu có thang điểm trầm cảm, lo âu và căng thẳng bình thường. 4,3% đối tượng nghiên cứu có biểu hiện trầm cảm mức độ nhẹ và vừa. 6,1% đối tượng nghiên cứu có biểu hiện lo âu mức độ nhẹ và vừa. 7,3% đối tượng nghiên cứu có biểu hiện căng thẳng mức độ nhẹ và vừa. Không có người bệnh nào mắc trầm cảm, lo âu và căng thẳng nặng hoặc rất nặng.
Kết luận: Các bác sĩ lâm sàng cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần, góp phần chăm sóc toàn diện người bệnh cả về thể chất, tinh thần và các yếu tố xã hội. Ngoài ra, cần phải thực hiện các nghiên cứu trong tương lai nhằm theo dõi tình trạng trầm cảm, lo âu và căng thẳng của người bệnh sau mắc COVID-19 có so sánh với nhóm đối chứng trong cộng đồng.